Nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên

Nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên

Với diện tích trên 22.000 ha, chè được xác định là cây trồng chủ lực của Thái Nguyên. Bởi vậy, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu giống để tăng năng suất và chất lượng, tỉnh luôn chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế cho cây chè. Năm 2006, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Đây là sản phẩm đầu tiên của Thái Nguyên được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chè trên thị trường; tạo động lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngay sau khi được UBND tỉnh giao là chủ sở hữu quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động phát triển và phát huy hiệu quả nhãn hiệu tập thể. Trong đó, công tác tuyên truyền, quảng bá được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Lồng ghép trong các chương trình vận động, tuyên truyền về công tác Hội; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại hội nghị, hội thảo, lễ hội lớn, các hội chợ thương mại hay các kỳ Festival Trà.

Hội thảo nhãn hiệu tập thể chè thái nguyên

Để thông tin về nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được lan tỏa đến nhiều hội viên, Hội Nông dân tỉnh tích cực tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm chè Thái Nguyên, quy chế sử dụng nhãn hiệu và hướng dẫn quy trình xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu. Từ năm 2006 đến nay, thông qua 200 lớp tuyên tuyền, tập huấn do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, trên 20.000 lượt hội viên nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh đã được phổ biến những thông tin cơ bản về nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”. Qua đó, giúp các hội viên hiểu được ích lợi mà nhãn hiệu tập thể này mang lại cho sản phẩm chè.
Cũng chính bởi những lợi ích từ việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” mang lại, mà nhiều cá nhân, tổ chức đã đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè của mình. Từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân tỉnh nhận được trên 145 đơn đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể của các cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè. Hội đã thẩm định và ra quyết định cấp giấy chứng nhận, gia hạn, cấp mới quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho 13 công ty, 20 hợp tác xã, 101 cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình và đã đăng tải danh sách các đơn vị trên ứng dụng công dân số C-ThaiNguyen; website của Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, Cổng Thông tin điện tử của Hội Nông dân tỉnh.

 

 

Không dừng lại ở đó, Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học & Công nghệ còn tích cực phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” ra nước ngoài. Bằng những nỗ lực kết nối, đến năm 2016, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được đăng ký bảo hộ thành công tại Mỹ, tiếp tục được bảo hộ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan (năm 2017), Nga (năm 2020) và dự kiến cuối năm 2021 sẽ được bảo hộ tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Bà Đào Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) cho biết: Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc đều là những thị trường khó tính nhưng vô cùng tiềm năng… Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ tại các thị trường này cho thấy cơ hội đưa sản phẩm chè Thái Nguyên đến với thế giới rất lớn và vị thế “đệ nhất danh trà” sẽ được khẳng định trên trường quốc tế.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm chè; xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và cải tiến mẫu mã, bao bì để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”; tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các thị trường nước ngoài tiềm năng; đồng thời xây dựng các chương trình, dự án cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Cùng với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” nhiều sản phẩm của các vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: Chỉ dẫn địa lý “Chè Tân Cương”, các nhãn hiệu tập thể “Chè La Bằng”, “Chè Trại Cài”, “Chè Vô Tranh”… Đó là những lợi thế lớn của ngành chè Thái Nguyên mà ít địa phương có được. Tận dụng những lợi thế này, kết hợp với phát triển sản phẩm đặc sản theo hướng an toàn, chất lượng, tin rằng chè Thái Nguyên đã khẳng định thương hiệu có uy tín, không chỉ ở trong nước mà cả thị trường quốc tế khó tính và yêu cầu khắt khe về chất lượng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *